Có thể nói, hội thảo với một chủ đề khá “nóng” đã thu hút nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cơ quan báo chí, truyền thông, đại diện cho người sử dụng xăng dầu… tham dự và trình bày quan điểm từ nhiều góc độ tại hội thảo.. Bộ trưởng Bộ Tài chính, GS.TS Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi hội thảo cùng sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú.
Trong thực tế, hoạt động kinh doanh xăng dầu và quản lý giá xăng dầu đã được quy định cụ thể trong Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ. Nghị định đã quy định khá rõ về tổ chức kinh doanh xăng dầu, quá trình hình thành giá, điều chỉnh giá, hoạt động kiểm soát, giám sát của nhà nước, các giải pháp của nhà nước về thuế, về quỹ bình ổn giá nhằm ổn định thị trường xăng dầu. Đến nay, đã có nhiều đánh giá về những thành công của Nghị định 84/2009/NĐ-CP, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những hạn chế của cơ chế quản lý, điều hành giá xăng dầu, cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu hiện hành.
Chính vì vậy, tại hội thảo những nội dung lớn như: Diễn biến thị trường, giá cả xăng dầu ở Việt Nam và quốc tế thời gian qua những kiến nghị giải pháp điều hành giá xăng dầu; đánh giá tính pháp lý của cơ chế điều hành giá xăng dầu, đề xuất giải pháp điều hành giá xăng dầu theo hướng thị trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ; thực trạng về trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và giải pháp hoàn thiện; kinh nghiệm quản lý giá xăng dầu của các nước trên thế giới và khả năng áp dụng ở Việt Nam...đã được các đại biểu tham dự rất quan tâm phát biểu.
Các ý kiến được đưa ra và tranh luận khá thẳng thắn, cởi mở, phản ánh từ nhiều góc độ, nhiều chiều và đa dạng về thực trạng kinh doanh, quản lý, điều hành xăng dầu hiện nay, kiến nghị sửa đổi hành lang pháp lý, cơ chế điều hành giá xăng dầu. Ý kiến của các đại biểu là các nhà quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu... trình bày bằng nhiều hình thức, “cung bậc” khác nhau đã thể hiện không ít quan điểm trái chiều về thực trạng kinh doanh, cơ chế điều hành giá xăng dầu, việc trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay. Đó là, cần đưa giá xăng dầu theo đúng cơ chế giá thị trường (“thả nổi” giá xăng dầu) các DN kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán, Nhà nước quyết định giá trần và chỉ can thiệp khi cần thiết; xăng dầu là mặt hàng quan trọng ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nên phải có sự quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, không thể để DN quyết định giá, chống sự độc quyền hoặc liên kết của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn để không chỉ đảm bảo lợi ích của DN mà còn phải thực hiện chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; cần công khai minh bạch thông tin về tình hình kinh doanh xăng dầu, cơ chế điều hành, đặc biệt là các yếu tố cấu thành giá xăng dầu...
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, cũng có một số ý kiến cho rằng không nên tồn tại Quỹ Bình ổn, tuy nhiên số đông ý kiến đều ủng hộ, vẫn cần thiết phải có Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên cần xem xét mức trích lập cho phù hợp, cũng như việc sử dụng, Quỹ không nên giao cho DN tự quản lý mà Nhà nước phải quản lý đối với Quỹ này...vv
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Vương Đình Huệ thẳng thắn cho rằng, Nhà nước chưa thể “thả nổi” giá xăng dầu cho DN quyết định nhất là việc kinh doanh xăng dầu vấn còn yếu tố độc quyền, tập trung chủ yếu vào một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay. Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, việc điều hành giá xăng dầu phải kiên trì theo cơ thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt phải dựa trên cơ sở minh bạch chính sách và thông tin. Đồng thời đối với DN kinh doanh xăng dầu, nhà nước chỉ giải quyết các khoản lỗ do lý do khách quan, chứ không xử lý các khoản lỗ do DN chi phí bất hợp lý, do quản trị điều hành và dự báo rủi ro kém... Vẫn còn không ít DN vẫn chưa ý thức đầy đủ việc chia sẻ khó khăn với Chính phủ và người tiêu dùng, trong khi nhà nước sẵn sàng hỗ trợ cho DN như năm 2008 là 4.600 tỷ đồng để bù lỗ cho các DN kinh doanh xăng dầu.... Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm không để ảnh hưởng đến việc lưu thông xăng dầu, nếu doanh nghiệp nào không tham gia thì sẽ thay thế bằng các đơn vị cung ứng khác. Quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thể đặt trên quyền lợi của hàng trăm ngàn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác cũng như hơn 80 triệu người dân...
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ sử dụng tối đa các biện pháp bình ổn, hỗ trợ để từ nay đến cuối năm không tăng giá xăng dầu. Đồng thời, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cũng như trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng về các quyết định điều hành giá xăng dầu theo cơ chế cho phép hiện nay.
Việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là một trong những công cụ bình ổn giá đã được hầu hết các nhà quản lý, các chuyên gia, DN cho rằng cần thiết hiện nay. Theo tính toán, thời gian qua, nếu không sử dụng Quỹ để giá xăng dầu tăng (bằng mức sử dụng quỹ) sẽ tác động làm tăng thêm giá thành lúa 1,09 - 1,16%, cà phê tăng 0,93 - 1,17%, chi phí đánh bắt hải sản xa bờ tăng 10,95 - 11,5%, thép tăng 3%, chi phí vận tải tăng 6%... và làm tăng trực tiếp chỉ số giá tiêu dùng từ 0,33 - 0,494%. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp để trích lập, quản lý sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách phù hợp, hiệu quả hơn.
Có thể nói, việc Bộ Tài chính tổ chức hội thảo rộng rãi để ghi nhận những ý kiến trái chiều về thực trạng kinh doanh, quản lý điều hành giá xăng dầu, cùng với việc yêu cầu các DN nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đầu mối báo cáo thực trạng kinh doanh, nhập khẩu; Tổ chức 3 tổ kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh tại một số DN kinh doanh xăng dầu; đề nghị thương vụ Việt Nam tại một số nước trong khu vực cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh, điều hành giá xăng dầu ở các nước bạn...được Bộ Tài chính thực hiện trước đó, đã cho thấy quyết tâm của Bộ trong việc thu thập, phân tích đầy đủ, chính xác, minh bạch các thông tin liên quan nhằm hoàn thiện cơ chế điều hành quản lý mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới.
Được biết, Bộ Tài chính đang giao cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu để tổ chức các Hội thảo tương tự lấy ý kiến về giá điện cũng như một số mặt hàng quan trọng nhà nước quản lý./.
Nguồn mof.gov.vn