Toàn cảnh hội thảo đề "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024".
Tham dự hội thảo có sự hiện diện của nhiều tổ chức, đơn vị và chuyên gia: Đại diện Lãnh đạo Học viện có PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính; NGƯT. PGS.TS Trương Thị Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính. Đại diện Cục quản lý giá, Bà Vũ Hương Trà – Phó trưởng phòng chính sách tổng hợp; Đại diện các trường, Viện nghiên cứu như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính…; Các chuyên gia kinh tế: Ông Ngô Trí Long; ông Nguyễn Ngọc Tuyến nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế -Tài chính, ông Lê Quốc Phương nguyên PGĐ TTTT Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công thương…; Đại diện đơn vị tài trợ: Ths. Đinh Lê Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đinh Lê; Lãnh đạo Viện Kinh tế Tài chính có PGS.TS Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính; PGS.TS Nguyễn Thị Hà – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính; TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính; cùng hơn 120 đại biểu đến dự trực tiếp và dự trực tuyến qua phần mềm Zoom meeting, các đại biểu là lãnh đạo các Ban, Khoa, Viện, Trung tâm thuộc Học viện Tài chính, đại diện các tổ chức quốc tế Oxfam Việt Nam, GIZ và đặc biệt hội thảo thu hút 25 cơ quan báo chí, truyền thông đến dự đưa tin về hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết: Tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, làm tăng biến động thị trường, giá cả… tác động xấu tới cả sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, mức độ nghiêm trọng của thiên tai đã tăng lên theo thời gian và còn tiếp tục tăng hơn nữa do biến đổi khí hậu đã đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bất ổn xã hội... Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Tính tới cuối tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm 2024, điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng thêm từ 0,1-0,3 điểm % so với các dự báo đưa ra trước đó. Ví dụ: Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 đạt 2,7%, cao hơn 0,3 điểm % so với dự báo tháng 01/2024; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 2,6%, cao hơn 0,2 điểm % (trong đó, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,5%, tăng 0,5 điểm %).v.v.
Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc Hội, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tiếp tục theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo… Những giải pháp kịp thời này đãgóp phần quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả quan trọng, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể: GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42% (chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024); CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2018, 2019, 2021, 2022, 2023 và gần cao bằng mức tăng CPI bình quân của năm 2017, 2020 trong giai đoạn 10 năm qua (2015 – 2024); Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều...
Để có thể nhận biết được bức tranh toàn cảnh và sâu sắc về thị trường, giá cả ở Việt Nam, cuộc Hội thảo này được tổ chức nhằm phân tích rõ hơn diễn biến của thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2024, những yếu tố cơ bản, những nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường trong thời gian qua và có đề cập đến dự báo lạm phát 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, những thuận lợi và áp lực trong quản lý, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng CPI. Ban chủ trì Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều, PGS.TS Vũ Duy Nguyên điều hành nhằm trao đổi thẳng thắn, có căn cứ khoa học và thực tiễn về những vấn đề liên quan đến thị trường, giá cả thời gian qua, cũng như những cơ hội và thách thức đặt ra cho thị trường, giá cả thời gian tới.
Dưới sự chủ trì của PGS,TS. Nguyễn Mạnh Thiều; PGS. TS Vũ Duy Nguyên. Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề chính trong hai phiên: (i) Phiên thứ nhất tập trung phân tích, thảo luận về diễn biến thị trường, chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cho cả năm 2024; (ii) Phiên thứ hai tập trung phân tích, thảo luận về diễn biến và bình ổn giá trên thị trường vàng, biến động lãi suất, rủi ro ngân hàng điện tử, diễn biến thị trường bất động sản (giá cả trên thị trường, việc áp dụng sớm các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua).
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) - cho biết, dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng khoảng 3,4% (+/- 0,2%). Lý do bởi nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn hoạt động ở dưới mức tiềm năng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020 - 2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khoảng 3,9%/năm. Dự báo tỷ giá sẽ ổn định, thậm chí giảm trong 6 tháng cuối năm, khi Fed hạ lãi suất 1 - 2 lần và USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, theo TS. Nguyễn Đức Độ, dù lương cơ sở được tăng từ 1.7.2024, nhưng chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, nên tác động tới lạm phát sẽ không quá lớn.
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính
Trong khi đó, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra hai kịch bản: Các nền kinh tế lớn giữ nguyên lãi suất hoặc hạ chậm, kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ, giá hàng hóa thế giới không tăng, CPI bình quân cả năm tăng khoảng 4%; các nền kinh tế lớn hạ lãi suất, kinh tế thế giới khởi sắc, giá hàng hóa thế giới tăng nhẹ, CPI bình quân cả năm vượt 4%.
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) trình bày tham luận tại hội thảo
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo, thời gian tới, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm và công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Về thị trường trong nước những tháng cuối năm cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024 sau khi đã bước đầu được thực hiện trong năm 2023; chính sách cải cách tiền lương từ 1-7-2024…
Bà Vũ Hương Trà, Phó trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, nhiều tổ chức quốc tế dự báo lạm phát Việt Nam ở mức từ 4,2% - 4,5%, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% - 4,5%.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long phát biểu tại hội thảo
Hội thảo đã nhận được 36 bài tham luận được biên tập và chọn đăng trong kỷ yếu Hội thảo (có chỉ số ISBN) và rất nhiều ý kiến thảo luận trực tiếp tại Hội thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện đánh giá rất cao các bài tham luận và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo là những căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để dự báo và đề xuất giải pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và nhưng năm tới.
PGS.TS. Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, tài trợ kinh phí của Học viện, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, sự cộng tác và phối hợp của của các chuyên gia kinh tế, các cơ quan thông tấn, báo chí đã tạo ra sự thành công của Hội thảo, đã hỗ trợ Viện Kinh tế-Tài chính công bố báo cáo giá trị cao về “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu nămvà dự báo cả năm 2024’ gửi Học viện Tài chính, Bộ Tài chính và các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội tham khảo trong điều hành nền kinh tế.
PGS.TS. Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính phát biểu tại hội thảo
Các báo cáo và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo được tổng hợp và lưu trữ tại Phòng Tổng hợp, Viện Kinh tế - Tài chính, số 179, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Hội thảo kết thúc vào hồi 12h 00 cùng ngày.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
TS Nguyễn Ngọc Tuyến – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính
TS. Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính
Ths. Đinh Lê Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đinh Lê
Hội thảo trực tuyến
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm