Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, đổi mới cơ chế tài chính thực hiện mục tiêu chất lượng, hiệu quả và công bằng là xu hướng tất yếu của qúa trình phát triển các trường đại học công lập ở nước ta. Việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước vừa là một yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Giáo dục đại học trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, thực hiện sự gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; giáo dục đại học có phát triển thì KH&CN mới phát triển, mới đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và ưu tiên cho giáo dục, nhiệm kỳ mới của Chính phủ cũng xác định “phải tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai chương trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”.
Vì vậy, cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học đã được chú trọng điều chỉnh và đổi mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển, tuy vậy, bên cạnh những thành quả tích cực mang lại thì cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học cần tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới cho phù hợp hơn với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao đã được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo là dịp để các cơ quan hoạch định chính sách của Chính phủ ghi nhận, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý giáo dục đại học, các nhà khoa học trong việc đánh giá cơ chế, chính sách tự chủ tài chính hiện hành đối với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục
Hội thảo diễn ra ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khoá XIII (tại kỳ họp, các nội dung thảo luận về dự thảo Luật giáo dục đại học, về đổi mới cơ chế quản lý đối với giáo dục đã được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm), sự có mặt của nhiều đại biểu từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ - ngành, đại diện từ hơn 40 trường đại học công lập hàng đầu trong nước, sự quan tâm của các đại biểu quốc tế, các tổ chức Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP), Ngân hàng thế giới (WB)...luôn dành sự hỗ trợ có hiệu quả cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam đã khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo./.