Trong lần phát biểu cuối tháng 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng mức chênh giữa giá trong nước và thế giới hợp lý nhất là không quá 400.000 đồng một lượng, nếu trên mức này sẽ đủ sức hấp dẫn cho hoạt động nhập lậu và làm giá. Tuy nhiên, từ tuần trước tới nay, giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới trên 1 triệu đồng mỗi lượng. Thậm chí vào chiều qua, khoảng cách đã lên tới 4,4 triệu đồng và co hẹp còn 3 triệu đồng vào sáng nay.
Do đó, dù giá hiện nay thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 49 triệu đồng lập được vào giữa tháng 8, so với thị trường thế giới, vàng trong nước vẫn còn rất "đắt".
|
Hôm qua, nhiều người kéo đi mua vàng vì tưởng giá vàng đã "rẻ". Ảnh: Công Tâm |
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Phú Nhuận cho rằng cung cầu bất cân đối là nguyên nhân chính đẩy giá vàng trong nước cao vọt so với thế giới. "Đơn cử như sáng nay, chỉ trong 2 tiếng đầu ngày, toàn hệ thống của Phú Nhuận PNJ bán được 1.600 lượng vàng, trong khi chỉ mua lại từ khách hàng có 200 lượng", vị đại diện của Phú Nhuận PNJ cho biết.
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty vàng VGB, chênh lệch giá một phần còn do các doanh nghiệp nhập vàng từ tuần trước lúc thị trường còn trên 1.800 USD nhưng bán ra chưa hết. Nếu họ điều chỉnh giảm niêm yết đúng với đà tháo lui của thế giới sẽ bị lỗ. Một số nơi khác cũng có thể găm hàng không muốn bán ra vì sợ giá còn lên nữa, ông Hải nhận định.
"Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của tình trạng loạn giá như hiện nay chủ yếu do thị trường vàng đang có nguy cơ rơi vào cảnh độc quyền giống như thị trường xăng dầu", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh. Dù trên thị trường có nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau, chất lượng như nhau, nhưng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đi trước, có lợi thế về thương hiệu, nên họ được ưa chuộng hơn cả..
Khi mà cả thương hiệu vàng SJC chiếm tuyệt đại đa số, sự độc quyền của thị trường vô hình chung có thể bị biến tướng thành độc quyền doanh nghiệp, dễ bị lợi dụng và làm giá, ông Hải bình luận.
Trong khi chênh lệch giá vàng "nội" và "ngoại" đang ở mức cao chưa từng thấy, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc nhập khẩu vàng vào thời điểm hiện nay không chắc đã giải quyết được tình trạng này, thậm chí còn có thể gây tác dụng ngược.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, một động tác cho phép nhập vàng chưa đủ để đảm bảo đưa giá vàng trong nước về ngang bằng với thế giới. "Còn phải xem lực cầu như thế nào. Nếu nhu cầu của người dân vẫn cao thì giá vàng khó giảm mạnh", bà nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Công ty Vàng Agribank nhận định, việc để giá trong nước cách xa so với thế giới dù các doanh nghiệp đã được cấp quota nhập khẩu vàng như hiện nay là quá vô lý. "Cứ với mức chênh như hiện nay, nếu được nhập vàng ngay lúc này, doanh nghiệp sẽ lãi to", ông Trúc nói.
Theo ông Trúc, ngoài các điều kiện thông thường, trong bối cảnh thị trường căng thẳng, cơ quan quản lý nên yêu cầu doanh nghiệp nhập vàng về phải bán với giá cao hơn thế giới ở một mức độ nhất định. Nếu cứ cấp quota nhập khẩu vàng nhưng không có điều kiện chặt chẽ với doanh nghiệp, cũng dễ khiến doanh nghiệp trục lợi, ông Trúc nói.
Ông Trần Thanh Hải gợi ý giải pháp tốt nhất hiện nay là Ngân hàng Nhà nước đứng ra phát hành chứng chỉ vàng bán cho dân với giá thấp hơn thị trường, thay vì để dân mua bán vàng vật chất. Làm như vậy sẽ không tốn đôla nhập khẩu vàng, cũng tránh cảnh rủi ro khi mua bán vàng vật chất cho dân. Tuy vậy, biện pháp này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường nghiệp vụ quản trị rủi ro cho số vàng đã bán cho dân dưới dạng chứng chỉ.
Trong khi vấn nạn "loạn" giá vàng chưa tìm ra hướng giải quyết, chính nhiều doanh nghiệp khuyên nhà đầu tư chưa nên mua vàng lúc này. "Nhìn cảnh người dân đội mưa đi mua vàng, tôi thấy ngán ngẩm thay. Họ tưởng giá đã rẻ hơn rất nhiều so với trước, mà quên mất rằng so với thế giới, vàng trong nước đang rất đắt", đại diện doanh nghiệp vàng Phú Quý chia sẻ. Tương tự, bà Phó tổng giám đốc Phú Nhuận PNJ cũng khuyên nhà đầu tư nên thận trọng trong thời điểm hiện nay để tránh rủi ro cho chính mình.
Theo Thanh Bình - Song Linh
Vnexpress.net