Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2012 diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn do khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa được giải quyết. Hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu bị tác động mạnh, giá cả hàng hoá diễn biến phức tạp. Tăng trưởng của các nền kinh tế đầu tầu suy giảm kéo theo sự sụt giảm của các nền kinh tế khác. Ở trong nước, thị trường tiêu thụ hàng hoá bị thu hẹp, hàng tồn kho ở múc cao, sức mua trong dân giảm. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức đáng lo ngại. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể. Thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp... đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
PGS.TS. Pham Văn Đăng phát biểu khai mạc Hội thảo
Với chủ đề “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2012 và dự báo 2013”, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề như:
(1) Diễn biến thị trường giá cả năm 2012, những yếu tố cơ bản, những nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường trong năm qua.
(2) Dự báo thị trường giá cả trong năm 2013 và thời gian tiếp theo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học trên tinh thần xây dựng để tìm ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm phân tích rõ hơn diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam năm 2012 và dự báo cho năm 2013.
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng-Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12/2011. Tuy nhiên, khác với diễn biến “tát nước theo mưa” như mọi năm thì năm nay, giá mặt hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm năm nay hầu như không tăng trong các đợt điều chỉnh giá của các mặt hàng quan trọng: điện, xăng dầu... Điểm khác biệt nữa so với mọi năm là nếu các tháng quý IV của năm trước, giá các mặt hàng thực phẩm có xu hướng tăng cao thì năm nay có diễn biến tương đối ổn định.
Đồng quan điểm với ông An, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng viện kinh tế Tài chính cũng cho rằng, so với cùng kỳ các năm trước, năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng của nhóm lương thực, thực phẩm đã tăng thấp hơn mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng bình quân chung và không phải là nhóm có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất. Theo ông Tuyến đây có thể là dấu hiệu khởi đầu của sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay.
Theo các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo, yếu tố tác động khiến hàng hóa trong năm 2012 ổn định giá là do tổng cầu và sức mua có dấu hiệu giảm nhờ kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP; Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và tác động từ khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội của năm 2012 chỉ tăng khoảng 16% so với năm 2011 (thông thường là 20%). Ngoài ra, việc chủ động, linh hoạt điều hành thị trường với các mặt hàng thiết yếu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi đặc biệt là việc triển khai mạnh mẽ chương trình bình ổn giá tại các địa phương đã góp phần giảm sức ép tăng giá. Ngoài ra, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường như: thép thành phẩm, bông xơ, sợi các loại..) năm 2012 giảm so với năm 2011 tác động làm giảm giá hàng hóa trong nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Năm 2013, mục tiêu mà Quốc hội đề ra tăng trưởng GDP khoảng 5,5%; lạm phát ở mức khoảng 8%. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế trong nước chưa thể phục hồi ngay, tiêu thụ hàng hóa chưa cải thiện nhiều, sức mua yếu nhưng dự kiến CPI năm 2013 có thể sẽ cao hơn năm 2012 nhưng vẫn ở mức dưới 10%. Tuy nhiên, mục tiêu trên đạt được chỉ khi có sự kết hợp đồng bộ, linh hoạt của nhiều giải pháp, công cụ chính sách kinh tế đặc biệt giải pháp quản lý, điều hành giá cả.
Đại diện cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng, đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế cần tiếp tục thực hiện cơ chế doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu thị trường. Nhà nước chỉ áp dụng các biện pháp kinh tế gián tiếp để tác động vào sự hình thành và vận động của giá hàng hóa, dịch vụ và mặt bằng giá để thực hiện mục tiêu bình ổn giá như: điều hòa cung cầu, lập quỹ bình ổn giá đối với một số mặt hàng, định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ.
Hầu hết ý kiến tham dự hội thảo đều đề cập tới giải pháp, các mặt hàng tăng giá theo lộ trình cần tránh các thời điểm nhạy cảm không nên tăng đồng loạt để tránh gây tâm lý bất ổn cho thị trường. Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp tục khuyến khích thực hiện hiệu quả nhằm tránh tình trạng giá hàng hóa mang tính thời vụ trong những thời kỳ cao điểm. Bên cạnh đó, các địa phương có thể nhân rộng mô hình dự trữ hàng hóa bình ổn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những mặt hàng vật tư, thiết yếu.
Nhiều đại biểu còn nêu ý kiến về vấn đề kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán để tránh tăng cung tiền không hiệu quả gây áp lực tăng giá nhưng vẫn đảm bảo kích cầu cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát chặt chẽ việc đầu tư, chi tiêu công, tiếp tục yêu cầu ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu là biện pháp được chú trọng./.