Tham dự hội thảo có sự góp mặt của PGS., TS. Phạm Văn Liên - Phó Giám đốc Học viện Tài chính; ông Đặng Công Khôi – Phó Cục trưởng Cục quản lý Giá – Bộ Tài chính; PGS., TS. Nguyễn Bá Minh Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính; Đại diện các Ban, Khoa thuộc Học viện Tài chính cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý đến từ các viên nghiên cứu, các trường đai học, học viện, các cơ quan quản lý kinh tế như: Viện NC quản lý kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược và CSTC, Viện chiến lược Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc Dân,… cùng các cơ quan báo trí, truyền thông đến dự và đưa tin về Hội thảo cùng toàn thể cán bộ viên chức Viện Kinh tế Tài chính.
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS., TS. Phạm Văn Liên - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết. Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước với nhiều dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều bất ổn và khó lường: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 có thể đạt 3,9% (năm 2017 chỉ đạt 3,8%); thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu có nhiều bất ổn do tác động của hàng loạt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, trừng phạt kinh tế, chiến tranh thương mại, đánh thuế trả đũa lẫn nhau…diễn ra ở nhiều quốc gia; tình hình an ninh, chính trị ở nhiều khu vực bị đe dọa bởi khủng bố... làm cho các nhà đầu tư không an tâm; giá của nhiều nguyên, nhiên, vật liệu cơ bản biến động theo xu hướng tăng khá mạnh.v.v.
PGS., TS. Phạm Văn Liên - Phó Giám đốc Học viện Tài chính
phát biểu khai mạc hội thảo
Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt như: Ngay ngày đầu tiên của năm mới (01/01/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018... Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động và triển khai hiệu quả nhiều biện pháp ứng phó với biến động thị trường nhằm ổn định đời sống và phát triển sản xuất… Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong ổn định kinh tế đất nước: GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017 (là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 tới nay); CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 (chỉ tiêu này của năm 2017 là tăng 4,15%); Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 (chỉ tiêu này của năm 2017 là tăng 1,52%)...
PGS.,TS. Phạm Văn Liên - Chủ trì Hội thảo.
Dưới sự chủ trì của PGS.,TS. Phạm Văn Liên, ông Đặng Công Khôi và PGS.,TS. Nguyễn Bá Minh. Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề chính như:
- Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm dự báo cả năm 2018 và những năm tiếp theo.
- Những vấn đề nóng tác động đến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2018.
- Tác động của diễn biến giá, thị trường tới các vấn đề về phát triển và tăng trưởng kinh tế; thu – chi ngân sách nhà nước; lãi suất ngân hàng; tỷ giá ngoại hối; nợ công;…
- Đề xuất giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả, tổ chức thị trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.
PGS., TS. Nguyễn Bá Minh - trình bày tham luận
Hội thảo đã nhận được 29 bài tham luận được đăng trong kỷ yếu Hội thảo và rất nhiều ý kiến thảo luận trực tiếp tại Hội thảo. Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS., TS. Phạm Văn Liên đánh giá rất cao các bài tham luận và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo. Đây là căn cứ khoa học và thực tiễn để dự báo và đề xuất giải pháp điều hành thị trường, giá cả tốt hơn giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 và những năm tiếp theo.
Các báo cáo và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo được tổng hợp và lưu trữ tại Phòng Khoa học và Đào tạo, Viện Kinh tế - Tài chính.
Hội thảo kết thúc vào hồi 11h 30 cùng ngày.