GS.TS Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo
Nhiều vấn đề tồn tại trong quản lý điều hành hoạt động của ngành điện đã được các đại biểu đặt ra trong tham luận, tập trung vào diễn biến thị trường điện trong thời gian qua; Đánh giá cơ chế quản lý, điều hành giá điện ở Việt Nam hiện nay và kiến nghị giải pháp hoàn thiện; đề xuất giải pháp quản lý, điều hành giá điện theo hướng thị trường.
Để có những thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện trong tương lai theo cơ chế thị trường cạnh tranh, cùng với nhiều khuyến nghị khác, ông Vũ Văn Thuyên, chuyên viên cao cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tách bạch khâu sản xuất, truyền tải và phân phối ra khỏi EVN, cụ thể, tách một số bộ phận của EVN thành các công ty hoạt động độc lập: phát điện, truyền tải điện và phân phối điện và dịch vụ hỗ trợ ngành điện sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm từ các nhà đầu tư; Nhà nước nắm giữ độc quyền hệ thống truyền tải điện. Riêng hệ thống phân phối điện đến các hộ tiêu dùng cho thực hiện đấu thầu cạnh tranh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội có ý kiến cho rằng, để thu hút đầu tư từ bên ngoài vào ngành điện, thực sự hình thành được thị trường phát điện cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng liên tục kêu “lỗ” của EVN trong sản xuất kinh doanh điện, có thể nghĩ tới một biện pháp xây dựng “giá điện sàn”, đây là giá chi phí thấp nhất tối thiểu phải có giúp cho nhà sản xuất không bị lỗ.
Toàn cảnh Hội thảo
Đối với giá điện, tại Hội thảo nhiều ý kiến đưa ra không đồng tình với việc giá điện liên tục tăng (chỉ từ năm 2002 - nay điện tăng giá 7 lần). Tuy nhiên, theo TSKH Nguyễn Thị Hiền, giá điện tăng là một tất yếu, bởi đây là mặt hàng cuối cùng được nhà nước bao cấp về giá nhất trong bối cảnh khi Quốc Hội, Chính phủ đã có chủ trương “thực hiện cơ chế giá thị trường đối với giá điện, than và dịch vụ công chậm nhất vào năm 2013”. Vấn đề ở chỗ, người tiêu dùng chấp nhận tăng giá nhưng đòi hỏi một sự minh bạch trong việc xác định giá điện và hơn thế nữa đòi hỏi sự linh hoạt trong quản lý để mỗi lần tăng giá điện không gây “sốc” cho nền kinh tế, không tạo nên một hiệu ứng domino “cùng tăng” đối với các ngành khác là điều hết sức quan trọng.
Trả lời câu hỏi của báo giới về chuyện có hay không việc EVN hạch toán những khoản lỗ không chỉ từ kinh doanh điện mà còn từ đầu tư ngoài ngành, đang có nhiều thông tin cho rằng giá điện sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới hay EVN có đang lợi dụng chính sách cho phép điều chỉnh giá linh hoạt tại Quyết định 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ hay không, ông Đặng Minh Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện-Bộ Công Thương một lần nữa khẳng định, khoản lỗ do kinh doanh ngoài ngành của EVN không được hạch toán vào giá bán điện. Theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ cho phép ngành điện được điều chỉnh giá tới 4 lần/năm nhưng tùy theo tình hình và sức chịu đựng của nền kinh tế mà giá điện được điều chỉnh cho phù hợp. Tính đến thời điểm này, Cục Điều tiết Điện lực cũng chưa nhận được một phương án điều chỉnh giá nào trong thời gian tới từ EVN.
Một số hình ảnh của buổi Hội thảo: