Những mặt hàng không giữ giá
Theo các đại lý tại thị trường Hà Nội, ngày 22/12 hai nhãn hiệu dầu ăn Neptune và Simply đã điều chỉnh tăng giá từ 1.200 - 1.300 đồng/lít, đưa giá bán lẻ trên thị trường lên mức 39.000 - 40.000 đồng/lít. Một can dầu ăn 5kg Simply đã tăng lên 193.000 đồng. Trước đó, nhãn hiệu này chỉ có mức giá là 187.000 đồng/can 5kg. Giá dầu ăn Neptune cũng có mức tăng tương tự, tuy nhiên, giá dầu ăn Neptune bao giờ cũng thấp hơn Simply 1.000 đồng/lít.
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ đại lý phân phối dầu ăn Neptune phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội giải thích: “Việc tăng giá dầu ăn chúng tôi cũng được nhân viên của hãng giải thích là do nguyên liệu nhập khẩu và giá dầu nhập khẩu tăng mạnh. 90% nguyên liệu để sản xuất dầu ăn trong nước, các doanh nghiệp phải nhập khẩu”.
Tại TPHCM, giá dầu ăn cũng được điều chỉnh tăng giá, tuy nhiên mức giá bán tại thành phố này luôn thấp hơn tại Hà Nội từ 1.000- 1.500 đồng/lít. Bên cạnh đó, một số hãng sữa đã gửi thông báo tăng giá từ đầu tháng 1/2011 với mức tăng từ 3- 10%. Nguyên nhân tăng giá, cũng được các đơn vị phân phối giải thích rằng do biến động tỷ giá, nguyên liệu sữa bột đã tăng 15%.
Theo đó, các hãng sữa có mức điều chỉnh tăng giá vào tháng 1/2011 như sau: Hãng Friso sẽ tăng 8% (tương đương với mức từ 20.000 - 30.000 đồng/hộp loại 900g); Sữa bột Hanco tăng từ 3- 10%; Sữa bột Dollac Pro 900g từ 179.000 đồng lên 184.000 đồng/hộp, Dollac nguyên kem từ 121.800 đồng lên 184.370 đồng/hộp, Dollac canxi từ 159.000 đồng lên 167.480 đồng/hộp...
Trên thị trường tự do ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, các loại bánh kẹo đang có mức tăng giá cao nhất, đứng đầu là các loại mứt với mức tăng từ 30 - 100%. Các loại bánh kẹo có mức tăng từ 10- 20%. Tiếp đến là thực phẩm tươi sống như: Thịt thăn bò tăng từ 135.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg; Thịt thăn lợn tăng từ 75.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg; Tôm chân trắng 120.000 đồng/kg lên 140.000 đồng/kg; tôm sú từ 160.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nguồn cung thịt lợn, gia cầm không thiếu nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên rất khó nói trước. Hơn nữa, từ giờ đến Tết Nguyên đán vẫn còn hơn 1 tháng nữa.
Người tiêu dùng thường xem kỹ giá trước khi mở ví
Kiểm tra chặt giá vẫn tăng
Theo thông tin từ Sở Công Thương TPHCM và Sở Công Thương Hà Nội, hàng hóa cuối năm không thiếu, hàng bình ổn vượt mức đăng ký, chiếm từ 30 - 40% thị trường. Sở Công Thương Hà Nội sẽ thực hiện việc kiểm soát giá thông qua việc đăng ký giá bán các mặt hàng thiết yếu, định kỳ 2 lần/tuần đối với rau quả và thực phẩm tươi sống. Bộ Tài chính cũng đã đưa ra 5 giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá: Trong dịp Tết Tân Mão và quý I/2011 sẽ giữ ổn định giá các mặt hàng: Điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn. Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu...
Tuy nhiên, trên thực tế giá nhiều mặt hàng lại không thuận theo chiều hướng này. Bà Nguyễn Thị Huế, phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Cơ quan chức năng cứ nói là kiểm soát giá chặt nhưng hiệu quả vẫn thấp. Vì nhiều loại hàng hóa đã tăng chóng mặt như dầu ăn, sữa. Cứ đà này, tôi e rằng sẽ có một cái Tết rất đắt đỏ làm nhẹ ví người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng nhân định, cung - cầu hàng hóa đến nay vẫn được đảm bảo, sản xuất của hầu hết các ngành hàng đạt mức tăng trưởng vượt dự báo nhưng do khó khăn về vốn, lãi suất đẩy chi phí thành phẩm tăng. Mọi biện pháp kiểm soát giá đang được lực lượng quản lý thị trường siết chặt nhưng giá vẫn sẽ tập trung tăng ở những mặt hàng tiêu thụ mạnh như lương thực, thịt gia súc - gia cầm, nông sản, thực phẩm chế biến, dầu ăn...
Hàng hóa có nguồn cung không thiếu, cơ quan chức năng kiểm soát chặt thị trường nhưng giá vẫn tăng. Tại sao nghịch lý này vẫn tồn tại? Câu trả lời thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý và chi phối thị trường. Trấn an dân và bình ổn giá là công việc đã được các cơ quan trả lời đang ráo riết triển khai, nhưng hiện trạng vẫn còn đó.