Tại Hà Nội, vào lúc 9h00 sáng nay (13/7), giá vàng SJC và vàng miếng hiệu Rồng Thăng Long của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu mua vào - bán ra ở mức 38,45 – 38,58 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng giá mua vào và 340.000 đồng giá bán ra so với sáng hôm qua.
Vàng SJC của doanh nghiệp Phú Quý cũng niêm yết ở giá 38,47 – 38,57 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Khu vực TP Hồ Chí Minh, giá vàng SBJ của công ty Vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ đang giao dịch ở mức 38,46 – 38,58 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng giá mua và 320.000 đồng giá bán so với sáng hôm qua.
Giá vàng SJC của công ty VBĐQ Sài Gòn SJC tăng 320 nghìn đồng lên 37,52 – 38,56 triệu đồng/lượng.
Tại thời điểm cập nhật bản tin, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 50.000 đồng/lượng (tính theo tỷ giá quy đổi chiều bán ra của Vietcombank). Giá vàng phiên châu Á hiện đang giao dịch ở mức 1.566 USD/ounce.
Tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng được NHNN áp dụng cho ngày 13/7 ở mức 20.608 đồng/USD, không đổi so với 2 ngày qua. Tỷ giá trần của các NHTM hôm nay là 20.814 đồng/USD.
Tại Sở GD NHNN, tỷ giá USD đang niêm yết ở mức 20.600 – 20.814 đồng (mua – bán), không đổi so với hôm qua. Các NHTM cũng giữ nguyên tỷ giá so với hôm qua, phổ biến ở mức 20.550 – 20.610 đồng/USD (mua – bán).
|
Giá vàng thế giới có phiên tăng giá thứ 7 liên tiếp và đang ở mức 1.566 USD/ounce. (Ảnh internet) |
Phiên châu Âu và châu Mỹ đêm qua đã chứng kiến phiên tăng thứ 7 liên tiếp của vàng do nỗi lo về khủng hoảng nợ công lan rộng ở châu Âu. Việc không chắc chắc về nâng trần nợ của chính phủ Mỹ cũng gây áp lực lên giá vàng.
Đóng cửa phiên 12/7, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 1.568,89 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 13,1 USD lên 1.562,3 USD/ounce. Trong phiên, có lúc giá lên đến 1.574,3 USD/ounce.
Như vậy, kể từ đầu tháng đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 6% và đà tăng trong thời gian tới sẽ chưa giảm khi các vấn đề về nợ công vẫn hết sức nhức nhối.
Hôm qua (12/7), quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust cũng bất ngờ mua vào 20 tấn vàng, đưa lượng vàng nắm giữ lên 1.225,41 tấn, cao nhất kể từ ngày 2/5.
SPDR từng nắm giữ lượng vàng kỷ lục là 1.320,43 tấn vào ngày 29/6/2010.
Giá dầu thô cũng có phiên tăng hơn 2% nhờ trái phiếu chính phủ Italia và Tây Ban Nha tăng. Thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ mua nợ của các chính phủ mắc nợ nhiều nhất khu vực để ổn định thị trường và giảm bớt lo ngại rằng cuộc khủng hoảng tín dụng đang xấu đi.
Đóng cửa phiên, giá dầu thô WTI giao tháng 8 tại New York tăng 2,28 USD, tương đương 2,4% lên 97,43 USD/thùng – ngày tăng nhiều nhất từ 28/6 tới nay. Trong vòng 1 năm qua, giá dầu loại này đã tăng 30%.
Giá dầu quay đầu giảm sau khi đóng cửa bởi báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô đã tăng 2,34 triệu thùng trong tuần trước lên 359,4 triệu thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 8 tại London chỉ tăng 51 cent tức 0,4% lên 117,75 USD/thùng bởi các vấn đề trong vận chuyển dầu ở Biển Bắc. Khoảng cách chênh lệch giữa hai loại dầu chuẩn của thế giới co hẹp về 20,32 USD, từ 22,09 USD/thùng phiên trước đó.
Giá dầu tăng trong phiên 12/7 còn bởi dự báo nhu cầu dầu tăng từ OPEC. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cho rằng, thế giới sẽ tiêu thụ bình quân 88,2 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay, tăng 1,4 triệu thùng hay 1,6% so với năm ngoái.
Theo Hoài Nam (VTC News)