MỤC LỤC
Trang
Lời nói đầu 4
Phần thứ nhất: Một số vấn đề cơ bản về quản lý Nhà nước
về giá cả trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế
quốc tế 7
1.1. Một số vấn đề lý luận cơ bản về giá cả 7
1.1.1. Giá cả và vai trò của giá cả trong nền kinh tế 7
1.1.2. Các nhân tố tác động đến sự hình thành, vận động của
giá cả thị trường 8
1.1.3. Giá cả trong các hình thái thị trường 9
1.2. Quản lý Nhà nước về giá trong nền kinh tế thị trường 13
1.2.1. Sự cần thiết về quản lý Nhà nước về giá trong nền kinh tế
thị trường 13
1.2.2. Nội dung quản lý Nhà nước về giá 16
Phần thứ hai: Kinh nghiệm quản lý giá của một số nước
và thực trạng quản lý Nhà nước về giá ở Việt Nam trong
thời gian qua 25
2.1. Kinh nghiệm quản lý Nhà nước về giá cả của một số nước 25
2.1.1. Xu hướng quản lý Nhà nước về giá 25
2.1.2. Quản lý Nhà nước về giá phân biệt theo hình thái thị trường 26
2.1.3. Đổi mới quản lý Nhà nước về giá theo cơ chế thị trường 29
2.2. Khái quát đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam thời gian qua 35
2.3. Thực trạng quản lý Nhà nước về giá của Việt Nam trong
thời gian qua 36
2.3.1. Hình thức quản lý Nhà nước về giá của Việt Nam trong
thời gian qua 36
2.3.2. Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và cơ chế quản lý giá
từ năm 1991 đến nay 38
Phần thứ ba: Một số vấn đề quản lý Nhà nước về giá trong
chiến lược tài chính 2011-2020 52
3.1. Định hướng và quan điểm quản lý Nhà nước về giá theo cơ
chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt nam 52
3.1.1. Định hướng quản lý nền kinh tế thị trường và quản lý Nhà
nước về giá cả 52
3.1.2. Quan điểm quản lý nền kinh tế thị trường và quản lý Nhà
nước về giá cả trong nền kinh tế thị trường 53
3.2. Nguyên tắc về quản lý Nhà nước về trong thời gian tới 56
3.3. Một số vấn đề quản lý Nhà nước về giá trong chiến lược
tài chính 2011-2020 58
3.3.1. Chiến lược tài chính đến 2010 và những năm tiếp theo 58
3.3.2. Các giải pháp hoàn thiện cơ chế, nội dung quản lý Nhà
nước về giá 59
Kết luận 72
Danh sách thành viên tham gia
Danh mục tài liệu tham khảo
LỜI NÓI ĐẦU
Việt Nam thực hiện quản lý nền kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Công cuộc đổi mới này ở Việt Nam được khởi xướng từ Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (bắt đầu từ năm 1986) và sau hơn hai mươi năm thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trải qua nhiều lần Đại hội đảng (Đại hội đại biểu lần thứ VII, VIII, IX và Đại hội lần thứ X năm 2006) đến nay Việt Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó đã đặt ra cho công tác quản lý nền kinh tế nói chung và quản lý điều hành giá cả nói riêng những nhiệm vụ rất nặng nề.
Giá cả vừa là kết quả của quá trình vận động vi mô nhưng bản thân giá cả lại có tác động ngược lại với quá trình kinh doanh của doanh nghiệp và trạng thái kinh tế ở tầm vĩ mô. Chính vì vậy mà giá cả ngoài việc biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá nó còn là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh tổng hợp các mối quan hệ lớn trong xã hội.
Vì vậy, vấn đề quản lý nhà nước về giá cả là một trong những vấn đề có vai trò ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng trong quá trình đổi mới vẫn không tránh khỏi và luôn tiềm ẩn những tồn tại chưa được giải quyết và chúng đang gây ra những lực cản làm giảm năng lực cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế và cần được khắc phục, những khiếm khuyết của cơ chế phải được ngăn ngừa và giảm thiểu. Vì vậy việc triển khai nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu những vấn đề quản lý nhà nước về giá cả trong chiến lược tài chính Việt Nam 2011-2020” là cần thiết và có ý nghĩa cả về lý thuyết và thực tế. Việc nghiên cứu sẽ giúp cho chúng ta khái quát và hệ thống hoá những vấn đề lý luận và thực tiễn quản lý Nhà nước về giá trong chiến lược phát triển tài chính, kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới về quản lý giá cả trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời giúp cho chúng ta có những cơ sở vững chắc để tiến hành đánh giá những vấn đề hiện tại và xác lập những giải pháp quản lý, điều hành giá cả hữu hiệu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn tới.
Về mặt lý luận cũng như thực tế đã có một số công trình nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế về quản lý nhà nước về giá trong nền kinh tế quốc dân như học thuyết của Mác (Giá cả là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị...); Keynes (sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế bao gồm cả vi mô và vĩ mô…); Paul Samuelson (khẳng định vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và chủ trương quản lý nền kinh tế, giá cả là kết hợp cả thị trường và sự can thiệp cuả nhà nước...) và một số các công trình, báo cáo tổng kết công tác điều hành quản lý giá cả của các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách. Tuy nhiên mỗi công trình nghiên cứu vấn đề trên được thực hiện ở các góc độ khác nhau, theo từng lĩnh vực và trong từng giai đoạn trước đây nên chưa hệ thống được đầy đủ và cập nhật tư liệu đến hiện nay. Công trình này không kỳ vọng sẽ giải quyết được mọi vấn còn lại mà chỉ nghiên cứu góp phần hệ thống hoá, đánh giá và cập nhật thêm tư liệu về quản lý Nhà nước về giá của Việt Nam đến hiện nay và đặt trong chiến lược tài chính của quốc gia.
Phương pháp và phạm vi nghiên cứu của đề tài: Để hoàn thành được mục tiêu và nội dung nghiên cứu đề ra, đề tài đã sử dụng đồng thời một số phương pháp và kỹ năng nghiên cứu: từ phương pháp khái quát đến phương pháp phân tích thống kê thông qua phân tích tổng hợp tư liệu, phương pháp chuyên gia, phương pháp phân tích, dự báo; tổ chức hội thảo…Đề tài đã sử dụng các tài liệu thứ cấp và kế thừa một số kết quả của một vài công trình nghiên cứu cũng như các báo cáo tổng kết về công tác quản lý, điều hành giá của các cơ quan chuyên ngành và các cơ quan chức năng có liên quan. Thời gian nghiên cứu điểm qua những nội dung cơ bản về quản lý Nhà nước về giá cả của thời gian trước năm 2000 và tập trung chủ yếu từ năm 2000 đến năm 2008.
Kết cấu và nội dung nghiên cứu của đề tài: Với mục tiêu đề ra và phạm vi nghiên cứu của một đề tài cấp cơ sở, ngoài phần mở đầu và phần kết luận, báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài được kết cấu thành 3 phần:
Phần thứ nhất: Một số vấn đề cơ bản về giá cả và quản lý Nhà nước về giá trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong phần này đề tài sẽ tập trung nghiên cứu khái quát về phạm trù giá cả sự hình thành và vận động của giá cả trong các hình thái thị trường; cơ sở lý luận về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường nói chung và trong quản lý giá cả nói riêng. Đồng thời đề tài cũng trình bày các hình thức quản lý giá của Nhà nước.
Phần thứ hai: Kinh nghiệm quản lý giá của một số nước và thực trạng quản lý Nhà nước về giá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt nam trong thời gian qua
Trong phần này đề tài sẽ tập trung phân tích kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và thế giới về quản lý giá của Nhà nước, rút ra nhưng bài học cho Việt Nam; Phân tích thực trạng quản lý Nhà nước về giá trong nền kinh tế thị trường của Việt nam trong thời gian qua (chủ trường, đường lối, hình thức và nội dung quản lý, cơ chế chính sách) đồng thời đánh giá những mặt được và những mặt chưa được làm cơ sở cho những kiến nghị của phần sau. Mặt khác đề tài cũng hệ thống hoá các văn bản quản lý nhà nước về giá trong thời gian qua
Phần thứ ba: Một số vần đề quản lý Nhà nước về giá trong chiến lược tài chính 2011-2020. Đề tài tập trung nghiên cứu phân tích điều kiện của giai đoạn phát triển mới, Trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị quản lý Nhà nước về giá trong trong tương lai hướng vào chiến lược tài chính 2011-2020 và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên trong đề tài này nhóm nghiên cứu không có ý định phân tích chiến lược tài chính mà chỉ đặt công tác quản lý giá trong tổng thể với công tác tài chính quốc gia.