MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
CHƯƠNG I 6
TỔNG QUAN NHỮNG LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ 6
CHUỖI GIÁ TRỊ 6
PHẦN A: NHỮNG LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ CHUỖI GIÁ TRỊ NÓI CHUNG.. 6
1. Các khái niệm cơ bản và nội dung. 6
1.1. Cơ sở phân tích và các nghĩa khác nhau của khái niệm về chuỗi giá trị 6
1.2. Các cách tiếp cận chính về chuỗi giá trị 11
2. Phương pháp luận về nghiên cứu, phân tích chuỗi giá trị 22
2.1. Thế nào là phân tích chuỗi giá trị 22
2.2. Phân tích chuỗi giá trị được sử dụng như thế nào. 23
2.3. Các bước nghiên cứu, phân tích chuỗi giá trị nói chung. 25
2.4. Một số lưu ý trong phân tích chuỗi giá trị 31
PHẦN B: PHÂN TÍCH CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG SẢN.. 34
1. Một số khái niệm và đặc điểm trong chuỗi giá trị nông sản. 34
1.1. Chuỗi trong nông nghiệp là một hệ thống. 34
1.2. Những đặc điểm về hoạt động của chuỗi giá trị nông sản. 36
1.3. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự thành công của chuỗi giá trị nông sản. 36
2. Các bước tiến hành phân tích chuỗi giá trị nông sản. 37
CHƯƠNG II 46
SỬ DỤNG PHÂN TÍCH CHUỖI GIÁ TRỊ TRÊN THẾ GIỚI VÀ.. 46
Ở VIỆT NAM... 46
1. Sử dụng phân tích chuỗi giá trị toàn cầu trong các tổ chức phát triển quốc tế. 46
2. Sử dụng phân tích chuỗi giá trị ở Việt nam.. 49
CHƯƠNG III 55
NHỮNG HÀM Ý VÀ ÁP DỤNG LÝ THUYẾT.. 55
1. Những hàm ý rút ra từ phân tích chuỗi giá trị 55
2. Khuyến nghị áp dụng lý thuyết 56
PHẦN MỞ ĐẦU
Phân tích chuỗi giá trị càng ngày càng được các nhà nghiên cứu, các nhà phân tích kinh tế, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ sử dụng một cách phổ biến như là một công cụ cơ bản để phân tích cả vi mô lẫn vĩ mô. Xu hướng này được dựa trên các cơ sở sau đây:
1. Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại cùng với những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ thông tin đã đưa lại nhiều cơ hội để tăng trưởng kinh tế và tăng thu nhập cho các nước đang phát triển. Đối với các nước này, đây là cơ hội hứa hẹn những tiềm năng để tăng tỷ lệ và qui mô tăng trưởng nền công nghiệp và nâng cấp các hoạt động sản xuất và dịch vụ, từ đó giúp tăng trưởng bền vững nền kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và giảm bất bình đẳng. Mặt khác, toàn cầu hóa cũng tồn tại những bất lợi như các doanh nghiêp ở những nước đang phát triển gặp phải những sức ép lớn về cạnh tranh để nâng cao hiệu quả và năng suất nhằm giữ vững thị phần trên thị trường thế giới; xu hướng ngày càng tăng về sự bất bình đẳng trong một quốc gia cũng như giữa các quốc gia với nhau và tăng tỷ lệ đói nghèo tuyệt đối không chỉ ở các nước nghèo. Những ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực của toàn cầu hóa tác động lên mọi đối tượng và ở các cấp độ khác nhau trong xã hội, từ từng cá nhân, hộ gia đình, công ty, doanh nghiệp đến một thành phố, khu vực địa lý, ngành và quốc gia. Những vấn đề nổi lên của việc toàn cầu hóa trong những thập kỷ gần đây rất phức tạp và không đồng nhất.
2. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao chỉ có thể bền vững nếu nền kinh tế quốc dân hoặc ít nhất là những ngành kinh tế quan trọng của một quốc gia cạnh tranh quốc tế được. Với thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng mở, thậm chí thị trường trong nước của các nước đang phát triển cũng ngày càng phải đối mặt với cạnh tranh toàn cầu, do vậy các nước đang phát triển cần phải đối mặt với những thách thức của toàn cầu hoá, cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế không chỉ là một thách thức đối với các nhà xuất khẩu mà cả đối với bất kể nhà sản xuất nào cung cấp hàng hoá/ dịch vụ mang tính trao đổi được.
3. Hội nhập quốc tế ngày càng tăng đang diễn ra thông qua các mối quan hệ trao đổi cấu trúc, hoạt động thương mại theo lối truyền thống, tức là nhà sản xuất vươn cách tay dài ra để bán sản phẩm một cách tự phát cho người mua rõ ràng ngày một giảm đi, thay vào đó hầu hết hoạt động thương mại ngày nay đều dựa trên các hình thức hợp tác, trong đó một hay nhiều nhân vật trong một chuỗi giá trị có quyền lực đưa ra số lượng, sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng, hình thức buôn bán, trao đổi như những điều kiện tiên quyết để các bên đối tác cùng nhau thực hiện. Do vậy, cần thiết phải hiểu các mối quan hệ hợp tác này như thế nào, những qui tắc của cuộc chơi là gì, ai là người ra quyết định ở từng khâu và tác động đến việc phân chia lợi ích như thế nào, những quyền lợi gì các đối tác thương mại cấp dưới được/ không được hưởng. Ở các nước đang phát triển, các nhà xuất khẩu những người đầu tiên phải đương đầu với những sự thay đổi này, tuy nhiên những nhân tố này ngày nay đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường trong nước.
4. Do vậy câu hỏi đặt ra là không chỉ là hội nhập mà còn làm thế nào để hội nhập vào trong chuỗi giá trị toàn cầu để tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập và tạo nhiều công ăn việc làm. Điều này đòi hỏi phải có một cách tiếp cận cân bằng, xem xét đến các vấn đề liên quan đến cạnh tranh và công bằng. Đó chính là phương pháp phân tích chuỗi giá trị.
Vậy chuỗi giá trị là gì? Thế nào là phân tích chuỗi giá trị? Tại sao chuỗi giá trị được sử dụng phổ biến như vậy? Hiện nay phân tích chuỗi giá trị được ứng dụng trên thế giới và ở Việt Nam như thế nào?
Để trả lời các câu hỏi này, đề tài “Phương pháp nghiên cứu, khảo sát và phân tích chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, trường hợp sản phẩm thịt lợn ở đồng bằng Sông Hồng” ra đời.
Hiện tại trên thế giới có rất nhiều tài liệu viết về phân tích chuỗi giá trị, với những mục tiêu khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nên nội dung và phương pháp phân tích cũng có những điểm khác nhau mặc dù về các lý thuyết cơ bản là như nhau. Trong khi đó ở Việt Nam chưa có tài liệu nào viết về vấn đề này, đây là một khó khăn cho Ban chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm đề tài cố gắng tổng quan và giới thiệu những điểm chính về những lý luận cơ bản của chuỗi giá trị nhằm góp phần chuyển tải những kiến thức ban đầu về khái niệm mới này. Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp tục cập nhật và nghiên cứu sâu thêm về vấn đề này để có thể giới thiệu kỹ hơn trong những nghiên cứu khác.
Mục tiêu ban đầu của đề tài bao gồm:
- Tổng quan về những lý luận cơ bản liên quan đến chuỗi giá trị, phân tích chuỗi giá trị nhằm giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về công cụ phân tích chuỗi giá trị.
- Giới thiệu các ứng dụng của công cụ phân tích chuỗi giá trị trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt là trong phân tích chuỗi giá trị nông sản
- Sử dụng phương pháp phân tích chuỗi giá trị vào phân tích thử trường hợp sản xuất thịt lợn ở đồng bằng sông Hồng
Phương pháp nghiên cứu: Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Nghiên cứu các tài liệu thứ cấp sẵn có trong và ngoài nước bao gồm các những nghiên cứu về lý luận cơ bản của chuỗi giá trị; những nghiên cứu về phân tích chuỗi giá trị được các tổ chức quốc tế ứng dụng trong phân tích nhiều lĩnh vực; và những nghiên cứu về chuỗi giá trị ở Việt Nam
- Thu thập thông tin và khảo sát thực tế nhằm ứng dụng phương pháp phân tích chuỗi giá trị trong sản xuất thịt lợn ở Việt Nam
Tuy nhiên do thời gian và nguồn nhân lực có hạn chế nên chưa tiến hành được khảo sát thực tế. Vì vậy mục tiêu thứ ba của đề tài chưa thực hiện được. Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng phương pháp phân tích này để khảo sát và phân tích một sản phẩm cụ thể trong thời gian gần nhất cho phép.
Kết cấu của đề tài, ngoài phần mở đầu đề tài gồm có 3 chương
Chương I: Tổng quan về những lý luận cơ bản của phân tích chuỗi giá trị
Chương II: Sử dụng phân tích chuỗi giá trị trên thế giới và ở Việt Nam
Chương III: Những hàm ý và áp dụng lý thuyết