CPI giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm có nhiều nguyên nhân, trong đó hầu hết các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý trong lĩnh vực này đều đồng tình nhận định là do: Sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế- xã hội, bình ổn giá cả thị trường như tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và xiết đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tín dụng và các biện pháp tăng cường quản lý giá cả, thị trường...
Trong nhiều nguyên nhân "kéo" CPI giảm nhanh, có nguyên nhân quan trọng do đầu tư và tiêu dùng bị co lại. Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, nguyên nhân quan trọng nhất khiến CPI giảm mạnh là do sức mua của người tiêu dùng đã cạn kiệt. Ở lĩnh vực bán lẻ, tổng doanh thu dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ 6 tháng đầu năm sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,5%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của 10 năm trước, bình quân từ 8-11%. Ông Phú cho biết, những tháng gần đây, mặc dù có khuyến mại mạnh mẽ nhưng doanh số bán của các siêu thị đã giảm từ 10-15% so với các tháng đầu năm.
Luôn gây sự chú ý của người nghe bằng những phát biểu khá ấn tượng, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, CPI giảm nhanh trong 6 tháng đầu năm trong sự ngỡ ngàng của các chuyên gia kinh tế và sự hài lòng của người dân. Và lần đầu tiên người dân dùng sức mạnh của mình đó là “quyền từ chối mua” là một trong những nguyên nhân khiến giá cả giảm. Tuy nhiên, những nguy cơ khiến lạm phát có thể tăng cao bất cứ lúc nào vẫn luôn thường trực. Trong đó, có nguyên nhân từ diễn biến giá cả thị trường thế giới biến động phức tạp những tháng cuối năm và nguyên nhân nảy sinh từ hệ quả của các chính sách đối phó với lạm phát và kinh tế suy giảm.
Theo TS. Ngô Trí Long, thay vì e ngại lạm phát quá cao, hiện lại nhường cho nỗi lo về nguy cơ giảm phát nên đòi hỏi sự tỉnh táo của các cơ quan điều hành hơn bất kỳ lúc nào. Việc mở rộng tiền tệ là giải pháp thường thấy khi giảm phát xảy ra. Nếu vội vàng bơm tiền, chúng ta có thể sẽ phải trả cái giá rất đắt, bởi năm sau, lạm phát sẽ gia tăng nhanh và toàn bộ nỗ lực kiềm chế lạm phát từ năm 2011 đến nay sẽ trở nên vô nghĩa. Thực chất, không chờ đến các cảnh báo của các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang hết sức thận trọng trước các quyết sách của mình để đưa mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế đi đúng hướng. Song, theo nhiều chuyên gia kinh tế, kiềm chế lạm phát phải song hành với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, cần có những giải pháp mạnh để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định khác với tình trạng ế ẩm của thị trường đầu năm, 6 tháng cuối năm, nền kinh tế sẽ phát triển khá, sản xuất ổn định, thu nhập của người dân tăng lên và chắc chắn sức mua sẽ được cải thiện hơn 6 tháng đầu năm.
Đặt ra nhiều mục tiêu để cùng thực hiện, vừa ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát và tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) có tham luận khá thuyết phục. Đề xuất các giải pháp thực hiện, TS. Nguyễn Thường Lạng đặt vấn đề dưới góc độ nhóm giải pháp về phía Chính phủ và DN.
Về phía Chính phủ, ông cho rằng, cần kiên trì tiếp tục và kiên quyết thực hiện việc cơ cấu lại nền kinh tế, coi trọng việc tạo điều kiện tối đa để các DN tiếp cận nguồn vốn với mặt bằng lãi suất hấp dẫn, thuận lợi; Coi trọng việc khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; Xử lý có hiệu quả tình trạng nợ xấu, cải cách mạnh khu vực DNNN theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh... Cụ thể hơn, TS. Nguyễn Thường Lạng đề nghị, những mục tiêu đề ra cần có biện pháp thực hiện kiên quyết và phù hợp; Các điều chỉnh chính sách cần thực hiện theo hướng minh bạch, dễ dự báo và tuân theo chiều hướng nhất định, tránh gây "sốc" cho DN... Chính phủ cần kêu gọi các DN bán hàng giảm giá để khuyến khích tiêu dùng cũng như khuyến khích DN tích cực giảm giá thành, tiết kiệm chi phí để vừa tăng được khả năng cạnh tranh về giá, tăng hiệu quả kinh doanh và thúc đẩy tiêu thụ
Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, các DN cũng phải phát huy tối đa quyền tự chủ, sự năng động, sáng tạo trong cơ cấu lại DN; nghiên cứu tìm kiếm các mô hình kinh doanh và quản trị mới, điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với điều kiện mới. Các DN cũng cần tận dụng triệt để sự hỗ trợ của Chính phủ để mở rộng quy mô, nâng cao năng suất và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần coi trọng xây dựng kênh phân phối, khai thác các cơ hội đầu tư và thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường để có phản ứng phù hợp; Tăng cường hợp tác với Chính phủ trong các chương trình, dự án để vừa thực hiện có hiệu quả chính sách và hỗ trợ lẫn nhau đến mức cao nhất để vừa đạt được các mục tiêu của Chính phủ, vừa đạt mục tiêu của chính bản thân DN.