Nếu như những năm trước, các “đại gia” Thái Bình, Nam Định, Sơn La, Ninh Bình… lần lượt về Hà Nội tìm đất dự án, thì nay, đến lượt các doanh nghiệp bất động sản Hà Nội chuyển hướng về tỉnh lẻ, bởi giá đất ở Hà Nội không còn cơ hội sinh lời.
Ngoài lý do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, thì giá đất cao là nguyên nhân chủ yếu khiến 2 năm qua, số dự án mới được khởi công tại Hà Nội rất ít, dù số dự án đăng ký trong khu vực nội đô là hơn 200 dự án. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần không thể “chen chân” tại Hà Nội, phải tìm kiếm các dự án trên địa bàn các tỉnh lân cận.
Đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc là địa bàn có nhiều dự án bất động sản của Hà Nội nhắm đến nhiều nhất. Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… cũng là những địa phương được các doanh nghiệp nhắm đến để chuẩn bị cho cuộc “tháo chạy” khỏi Hà Nội.
Ông Nguyễn Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng B.H (xin không nêu tên cụ thể) cho biết, lý do chủ yếu khiến các doanh nghiệp e ngại khi thực hiện dự án bất động sản ở Hà Nội do giá đất quá cao.
Hàng loạt dự án nhà ở dự kiến khởi công trong năm 2010 tiếp tục phải đình hoãn, gia hạn… Nhiều chủ đầu tư đã lên kế hoạch khởi công, nhưng phải rút lại, bởi không đủ tiền giải phóng mặt bằng và đóng tiền sử dụng đất vào phút chót.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS quy định vốn pháp định chỉ có 6 tỷ đồng. Tôi ước tính văn phòng, ôtô mất đứt 2 tỷ đồng, trả lương và các chi phí khác thì vốn còn lại chưa đủ mua một căn hộ. Ở Hà Nội, bây giờ một căn hộ trung bình đã 7-8 tỷ đồng.
Trong khi đó, luật pháp cũng chưa có những quy định để sàng lọc các tay chơi nghiệp dư, không đủ năng lực tài chính ra khỏi sân chơi để khuyến khích các doanh nghiệp hội tụ lại với nhau thành những doanh nghiệp lớn có đầy đủ năng lực về chuyên môn, kiến thức và tài chính.